Việc Ta, Ta Cứ Làm

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Việc Ta, Ta Cứ Làm!

Nguyễn Minh Cần

Ðưa lên lenduong.net ngày 23/10/2003.

Xin nói rõ hơn: Dân chủ hóa nước ta là việc của dân ta, phải do chính dân ta làm lấy. Không thể trông chờ ở ai hết. Vì "Dân chủ", "Tự do" thứ thiệt phải là thành quả do người dân giành lấy trong đấu tranh, chứ không thể là món quà biếu tặng. Càng không thể là của bố thí được ban phát bởi bất kỳ ai. Nếu là của bố thí ban phát bởi bọn cầm quyền độc tài thì chắc chắn đó chỉ là "bánh vẽ", dùng để đánh lừa người dân.

Cái chân lý này quá tầm thường, dễ hiểu và sơ đẳng. Thế thì sao bây giờ lại phải nói lại làm gì nữa?

Một mặt, vì nhiều người trong nước ta còn chưa ý thức được về quyền tự do, dân chủ. Số đông quen sống an phận thủ thường. Nếu kẻ cầm quyền có thí cho đôi chút tự do, dân chủ (khốn thay, toàn là thứ "giả hiệu"!) thì nhờ, không thì cứ cam chịu sống nhục nhằn với thân phận kẻ vô quyền. Chẳng khác mấy cỏ cây: Trời có thương ban cho chút mưa móc thì nhờ, không thì cứ héo hắt, tàn lụi dần trong khô hạn. Lại có nhiều người sống dưới chế độ độc tài toàn trị mà cứ nhởn nhơ như không. Vì họ không được biết trên đời này còn có những lối sống khác tự do hơn, dân chủ hơn, tôn trọng nhân phẩm hơn.

Mặt khác, ngay trong số những người khao khát tự do, dân chủ, cũng có không ít người đặt nhiều kỳ vọng ở các nước lớn, nhất là các siêu cường, mong họ sẽ giúp dân ta dân chủ hóa nước ta. Cái tâm lý ỷ lại, dựa dẫm nào phải đã hết đâu! Mặc dù kinh nghiệm của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử đã cho ta muôn vàn bài học đắng cay về hậu quả của tinh thần ỷ lại, dựa dẫm nước ngoài.

Không cần kể chuyện dưới thời phong kiến xa xưa, chỉ cần nhắc lại vài sự việc trong thế kỷ 20 cũng đủ. Đã từng có nhiều người yêu nước mong dựa vào Nhật Bản, vào Quốc Dân đảng Trung Hoa để giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân Pháp. Hậu quả ra sao, mọi người đã rõ.

Đặc biệt nghiêm trọng là các lãnh tụ Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã dựa vào nước Nga cộng sản, nước Tàu cộng sản. Không chỉ dựa dẫm mà họ còn tự đặt mình và cả dân tộc vào vị thế lệ thuộc vào tập đoàn thống trị cộng sản Nga, Tàu khoác áo "Quốc tế Cộng sản". Chẳng những mù quáng du nhập học thuyết, chính sách, mà họ còn nô lệ rập khuôn, bệ gần nguyên xi vào nước ta toàn bộ cơ cấu chế độ độc tài toàn trị của cộng sản Nga, Tàu. Hậu quả ra sao? Dân tộc ta phải chịu bao nhiêu đau thương tang tóc của cuộc nội chiến đẵm máu hàng chục năm trời. Dân ta cả hai miền Bắc, Nam phải chịu bao nhiêu tổn thất lớn lao về nhân mạng, về kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức của đường lối đấu tranh giai cấp, "phóng tay" cải cách ruộng đất, cải tạo trí thức, tư sản, cải tạo công thương nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, phiêu lưu tiến lên cái gọi là "chủ nghĩa xã hội" hoang tưởng. Trong cuộc nội chiến, hàng chục triệu người đã bỏ mình hoặc mang thương tật suốt đời. Biết bao tinh hoa của dân tộc bị vùi dập, biết bao người dân vô tội đã bị tàn sát, và hiện còn đang bị đày đọa trong những trại tù cộng sản, hoặc khốn khổ trong cảnh giam cầm tại gia. Cho đến nay, một chế độ độc tài toàn trị, bạo tàn và thâm độc của một tập đoàn bé nhỏ đang thống trị trên đầu trên cổ dân tộc mà chưa biết ngày nào dân ta mới thoát ra được!

Và chúng ta cũng không quên cái kinh nghiệm đau xót của những người cầm quyền ở miền Nam, đã ỷ lại, dựa dẫm, lệ thuộc vào Hoa Kỳ để mong chống lại cuộc xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực mà cộng sản miền Bắc tiến hành với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cộng sản Nga, Tàu và các chư hầu của họ. Người dân miền Nam đã điêu đứng vì bài học dựa dẫm đó. Khốn thay, khi đã "học" thấm thía rồi thì mọi sự đã quá muộn màng - nước mất, nhà tan, hàng mấy triệu người bỏ chạy khỏi nước, hàng chục vạn người chết thảm trên đường vượt biên, hàng chục triệu người còn lại trên quê hương phải cam chịu một chế độ độc tài cực kỳ khắc nghiệt.

Thế mà... dường như ngày nay có người đang quên những bài học đau xót đó của lịch sử. Nhân chuyện "Lộ trình" của AEI

Đầu tháng 4 năm nay, tại trụ sở của American Enterprise Institute (AEI), nhiều nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và khoảng mười nhà nghiên cứu Việt Nam đã họp bàn về quan hệ Việt-Mỹ. Ngày 11 tháng 4 năm 2002, một "Lộ trình cải tiến bang giao Mỹ - Việt theo hướng dân chủ hóa" (dưới đây, gọi tắt là "Lộ trình") được công bố. Hai nhà nghiên cứu Việt Nam tham gia cuộc họp của AEI đã giới thiệu"Lộ trình" đó bằng tiếng Việt, qua bài của ông Bùi Tín (BT) "Lộ trình mới - Rốt Mép của Ê-I-Ai", đăng trên tờ "Thông Luận" số 159 tháng 5.2002 và một số báo khác, và bài của ông Nguyễn Quốc Khải (NQK) "Những đề nghị cải tiến bang giao Việt - Mỹ và dân chủ hóa Việt Nam của Viện nghiên cứu chính sách công vụ Hoa Kỳ", đăng trên tờ "Thế Kỷ 21" số 158 tháng 6.2002.

"Lộ trình" này dù chưa được coi là chính sách chính thức của chính quyền Tổng thống George W. Busch, nhưng AEI là một trong những cơ quan nghiên cứu có thể có ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền Hoa Kỳ, cho nên nhiều người dân chủ và yêu nước Việt Nam quan tâm nghiên cứu và theo dõi.

Theo lời ông NQK: "Mục tiêu của chính sách mới này là giúp Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế lẫn quân sự với một thể chế dân chủ để Việt Nam có thể tự chủ, độc lập và duy trì mối liên hệ thân thiện với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Hoa và Hoa Kỳ"... "Điểm then chốt của lộ trình mới nhằm cải tiến bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là Hoa Kỳ sẽ gia tăng viện trợ giúp Việt Nam từng giai đoạn song song với việc dân chủ hóa tại Việt Nam". Còn ông BT thì nhấn mạnh: "Tình hữu nghị Mỹ-Việt, mối quan hệ thân hữu Mỹ-Việt sẽ có thể là một yếu tố cơ bản để thực hiện thuận lợi những mục tiêu tốt đẹp của xã hội Việt Nam, của nhân dân Việt Nam mà chính những người lãnh đạo cộng sản đã ghi trong nghị quyết của họ...",..."xây dựng tình bạn Việt-Mỹ gắn bó xã hội hai nước, nhân dân hai nước, Việt Nam sẽ có một thế mới, một lực mới khác hẳn hiện nay".

Như vậy, qua lời lẽ của những người giới thiệu, có thể nghĩ rằng những ý định của các tác giả "Lộ trình" là tốt đẹp. Để thực hiện chúng, các tác giả "Lộ trình" chia ra bốn giai đoạn "cải tiến bang giao", và ở mỗi giai đoạn đưa ra những điều kiện (xin chú ý: chữ "điều kiện" là của người viết bài này, chứ trong bài của ông NQK chỉ dùng chữ "đề nghị" mà thôi) cho Việt Nam thực hiện. Trong "Lộ trình" không nói rõ "Việt Nam" là ai, nhưng mọi người ngầm hiểu đó là tập đoàn thống trị Việt Nam, tức là Bộ Chính trị (BCT) ĐCSVN. Ở mỗi giai đoạn, nếu Việt Nam thực hiện được những "đề nghị" do Hoa Kỳ đưa ra thì Hoa Kỳ sẽ viện trợ lớn cho Việt Nam, có khi đến 500 triệu USD, để phát triển kinh tế, trợ giúp chiến cụ, hoặc huấn luyện quân sự, tăng thêm tiềm lực an ninh và quốc phòng cho tập đoàn thống trị Việt Nam. Tóm lại, mọi việc sẽ tiến hành theo phương thức "tiền trao, cháo múc" giữa nhà cầm quyền hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đây là những "đề nghị" chính trị đáng chú ý được đưa ra trong "Lộ trình": ứng cử viên ngoài ĐCSVN được phép ứng cử vào Quốc hội trong kỳ bầu cử vào tháng 5.2002 (giai đoạn 1); các tín đồ thuộc các tôn giáo được tự do chọn lựa tổ chức điều hành của họ; các tổ chức này chỉ hoạt động tôn giáo không được phép hoạt động chính trị; ĐCSVN không được quyền bác bỏ việc bổ nhiệm các vị giám mục Công giáo và tu sĩ; ĐCSVN rút các chính ủy và chính trị viên ra khỏi quân đội; tất cả các thẩm phán và luật sư phải rút ra khỏi ĐCSVN; tất cả tù nhân chính trị được trả tự do; một số tạp chí và báo được tự do, không bị ràng buộc vào chế độ kiểm duyệt; những công ty và xí nghiệp mà ĐCSVN có trên 25% cổ phần được đem bán cho công chúng... (giai đoạn 2); những đảng phái không cộng sản được phép hoạt động, phê bình chính phủ, tham gia vào các cuộc bầu cử; điều 4 của Hiến pháp có thể thay đổi hoặc không; những công ty quốc doanh phải được bán cho tư nhân để sản xuất của khu vực công không quá 25% của tổng sản lượng nội địa (GDP) (giai đoạn 3); tách lực lượng cảnh sát và an ninh ra khỏi ĐCSVN và giảm số nhân viên cảnh sát và an ninh; tất cả các nhân viên cảnh sát và an ninh phải ra khỏi ĐCSVN; Hoa Kỳ được phép sử dụng hải cảng Cam Ranh cho mục tiêu quân sự (giai đoạn 4). Xem qua có thể nhận thấy trong tất cả những "đề nghị" đã đưa ra dường như chỉ có điều cuối cùng về cảng Cam Ranh là trực tiếp dính đến quyền lợi Hoa Kỳ, còn tất cả những điều khác chỉ vì sự dân chủ hóa Việt Nam.

Những người dân chủ và yêu nước Việt Nam ở hải ngoại có những ý kiến khác nhau đối với "Lộ trình": có người hoan nghênh, có người tỏ ý lo ngại, cũng không ít người phản ứng mạnh. Chẳng hạn, hồi tháng 6 năm nay, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Hữu Chung, là một nhà chính trị sâu sắc đồng thời là một nhà nghiên cứu nghiêm túc có tiếng ở hải ngoại. Là chỗ quen biết thân tình, chúng tôi trao đổi thẳng thắn với nhau. Ông Chung nói: "Anh ạ, tôi muốn viết một bài để đập thật mạnh, nhưng lại cứ lấn cấn vì có anh em bạn bè mình tham gia vào đấy. Đập thì lại hóa ra là mình đập anh em mình. Mà không thì không được". Hôm đó, tôi nói với ông Chung: "Tôi cũng thấy cần phải phát biểu ý kiến về cái "Lộ trình" này. Nhưng... cũng như anh, tôi cũng ngại đụng chạm đến anh em mình. Có lẽ ta tạm lờ nó, cứ để cho nó chìm đi trong yên lặng".

Nhưng nào có yên lặng được đâu! Hồi tháng 7, ông BT trả lời phỏng vấn của tờ "Cánh Én", bài đó được đăng trên "Cánh Én", "Thông Luận" và vài tờ báo khác hồi tháng 7-8, dưới nhan đề "Chọn bạn mà chơi!". Ông tuyên bố "chúng ta cần phải đánh động dư luận" trong và ngoài nước để mọi người hiểu rõ "Lộ trình" của AEI, vì thế bài của ông BT là một bài cổ động nhiệt liệt cho "Lộ trình".

Đến lúc này, chúng tôi thấy cần trình bày rõ quan điểm và thái độ của mình đối với "Lộ trình" đó. Việc này có quan hệ đến sự nghiệp dân chủ hóa đất nước, nên không thể vì tình riêng bạn bè mà im được.

Hãy khoan bàn luận về các "đề nghị" cụ thể đưa ra cho phía Việt Nam, mà trước hết nên đi sâu tìm hiểu xem tại sao AEI đưa ra "Lộ trình" bốn giai đoạn trong lúc này? Cái gì là động cơ thúc đẩy họ làm việc đó? Và việc đó thực tế sẽ có lợi, có hại gì cho việc dân chủ hóa thật sự đất nước ta?

Điều sơ đẳng này dù có nhắc lại có lẽ cũng không thừa: các chính khách của mỗi nước khi vạch ra đường lối, chính sách (hay lộ trình) của họ đều xuất phát trước tiên từ quyền lợi thiết thân của nước họ. Hoa Kỳ cũng thế thôi. Theo chúng tôi nghĩ, khi đưa ra "Lộ trình" này, AEI chủ yếu nhằm phục vụ cho chiến lược trước mắt và lâu dài của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (cố nhiên, bao gồm cả vùng Đông Nam Á), là nơi các nước lớn, chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật... đang công khai hoặc giấu mặt tranh giành nhau ảnh hưởng. Một thực tế rõ ràng là những năm gần đây, trong vùng Đông Nam Á, Trung Quốc cố hết sức bành trướng về mọi mặt, kể cả về quân sự, kinh tế lẫn ngoại giao, thậm chí cố mở rộng biên cương của họ. Những hành động lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, hiệp ước gần đây về biên giới và lãnh hải với Việt Nam là một trong những ví dụ. Điều đó đe dọa trực tiếp an ninh của Đài Loan, đe dọa quyền lợi và chủ quyền của Việt Nam và nhiều nước khác trong vùng. Sự bành trướng đó của Trung Quốc cũng đe dọa dữ dội quyền lợi của Hoa Kỳ. Hiện nay, Trung Quốc tuy còn yếu, nhưng đang phát triển tương đối thuận lợi, nên họ vẫn ngấm ngầm nuôi tham vọng trở thành "đại bá" ít nhất là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào giữa thế kỷ 21, và như vậy, trong tương lai không xa sẽ là đối thủ của siêu cường Hoa Kỳ. Chính vì thế, Hoa Kỳ muốn vạch ra một chính sách đối ngoại khả dĩ lôi kéo một số nước, trước hết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dù những nước đó không phải là dân chủ, vào quỹ đạo chiến lược của họ để làm lực cản sự bành trướng của Trung Quốc. Một trong những nước mà Hoa Kỳ nhắm tới là Việt Nam.

Hoa Kỳ biết rõ Việt Nam hiện đang nằm dưới sự thống trị độc tôn của ĐCSVN, và đảng này đang duy trì một chế độ độc tài toàn trị vô cùng khắc nghiệt với dân chúng. Hơn nữa, tập đoàn thống trị Việt Nam, tức là BCT ĐCSVN, hiện đang lệ thuộc vào Trung Quốc để tồn tại, tuy vẫn có mâu thuẫn này nọ với Trung Quốc. Trong tình hình đó, Hoa Kỳ vẫn mong muốn cải thiện và thắt chặt bang giao với tập đoàn thống trị Việt Nam. Hơn nữa, như chúng ta biết, các nhà báo và các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ thường thích nói, thích nghĩ và thích tin là BCT ĐCSVN hiện đang phân hóa thành nhóm thân Trung Quốc và nhóm thân Mỹ hay thân phương Tây. Các chính khách trong AEI hy vọng rằng với "Lộ trình" này, họ có thể lôi kéo, nếu không toàn bộ thì cũng một nhóm nào đó trong tập đoàn thống trị Việt Nam hiện nay để đưa Việt Nam vào chiến lược của họ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Đặt vấn đề cải tiến bang giao với Việt Nam trong lúc phong trào dân chủ ở Việt Nam đang phát triển, các chính khách trong AEI không thể không nói đến chuyện dân chủ hóa dù "sự nói" đó không hẳn mang "tính cấp thiết số 1".

Những người dân chủ và yêu nước Việt Nam cần bình tĩnh, khách quan suy xét kỹ, sáng suốt nhận định và dự kiến trước những điều lợi hại của "Lộ trình" này. Không thể để những từ ngữ đẹp làm quáng mắt mình! Nếu xét thấy "Lộ trình" này có những điều thật sự có lợi cho việc dân chủ hóa đất nước thì chúng ta cần kịp thời triệt để khai thác, "xé rào" mà đẩy mạnh phong trào dân chúng tiến lên. Còn những việc gì họ có thể làm mà gây hại cho việc dân chủ hóa, gây trở ngại cho việc gỡ bỏ chế độ độc tài đảng trị thì chúng ta phải có phương cách xử đối thích hợp, thậm chí tích cực phản đối. Đây là một vấn đề rất tế nhị.

Nói chung, vì lợi ích của việc dân chủ hóa đất nước, những người dân chủ và yêu nước Việt Nam chủ trương thắt chặt mối bang giao giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, là một siêu cường dân chủ, giàu mạnh nhất thế giới và có ảnh hưởng lớn nhất đến nền chính trị thế giới. Nhưng việc thắt chặt mối bang giao đó không nhằm củng cố chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam, mà phải nhằm thật sự dân chủ hóa Việt Nam. Chính vì thế, những người dân chủ và yêu nước Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh sự ủng hộ của chính phủ, quốc hội và mọi tổ chức xã hội, phi chính phủ ở Hoa Kỳ đối với phong trào đấu tranh của người dân Việt Nam cho tự do, dân chủ và nhân quyền, nhằm thật sự dân chủ hóa đất nước. Đồng thời, họ cũng nhiệt liệt hoan nghênh sự ủng hộ của mọi nước dân chủ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, vì nhận thức sâu sắc rằng sự ủng hộ quốc tế có tác dụng rất lớn đối với công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước, giành tự do và nhân quyền.

Nhưng, họ ý thức sâu sắc rằng thành công của công cuộc dân chủ hóa do chính phong trào dân chủ của nhân dân Việt Nam quyết định, nên họ không thể ỷ lại, dựa dẫm vào sự ủng hộ đó, dù cho nó đến từ một siêu cường mạnh nhất, giàu nhất thế giới. Mọi người dân chủ và yêu nước Việt Nam đều mong muốn điều đã ghi rõ trong "Lộ trình": "việc cải thiện bang giao giữa hai nước đòi hỏi Việt Nam phải thi hành những biện pháp dân chủ hóa" sẽ không phải là một câu nói suông để đẹp tai người nghe. Nghĩa là mong muốn phía Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi giới cầm quyền Việt Nam phải triệt để thi hành đúng đắn và đầy đủ những điều kiện tối thiểu qua các giai đoạn để thật sự dân chủ hóa Việt Nam. Dù vậy những người dân chủ và yêu nước Việt Nam cũng không thể coi "Lộ trình" của AEI là "chiếc gậy thần" để ỷ lại và dựa dẫm trong công cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân dân.

Mặt khác, họ có nhiều lý do chính đáng để cảnh giác, lo ngại và nghi ngờ, thậm chí không ủng hộ và kịch liệt phản đối, khi cảm thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ chỉ thông qua các cơ quan quyền lực của nhà nước độc tài toàn trị để thỏa mãn nhu cầu duy trì quyền lực của bọn độc tài, mà không đếm xỉa đến phong trào dân chủ và các tổ chức dân chủ của nhân dân, hoặc khi cảm thấy Hoa Kỳ vì nhu cầu lôi kéo tập đoàn thống trị để Việt Nam rơi vào quỹ đạo chiến lược của họ, mà tìm mọi cách hạ thấp những "đề nghị" dân chủ hóa và cố kéo tập đoàn thống trị "thắt chặt bang giao", rồi củng cố lực lượng cho cái tập đoàn thống trị đó và duy trì càng lâu càng tốt cho họ cái chế độ độc tài đảng trị trên lưng dân chúng Việt Nam. Điều này có khả năng xảy ra không? Nếu bình tĩnh quan sát tình hình thế giới thì có thể thấy không ít cường quốc - chẳng những cộng sản hay hậu cộng sản, mà cả dân chủ - đã và đang giúp củng cố những chế độ độc tài chống nhân dân chỉ vì quyền lợi ích kỷ của họ! Cho nên, đáng tiếc, câu trả lời là rất có thể xảy ra!

Nói như thế không có nghĩa là không tin tưởng ở những người bạn dân chủ Hoa Kỳ. Không phải thế, chúng ta đánh giá cao sự đóng góp của nhân dân Hoa Kỳ vào công cuộc bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới. Nhưng với các chính khách thì dù họ ở nước nào chúng ta cũng không thể ngây thơ, cả tin ở lời nói tốt đẹp mà để mất cảnh giác. Mọi người đều chưa quên sự thật chua xót hồi thập niên 60-70, nhà chính khách Kissinger đã từng "dạy" cho nhiều người Việt Nam một bài học nhớ đời! Đến bây giờ nghĩ lại, nhiều người vẫn còn thấy rất đau!

Thành thực mà nói, lối giải thích của hai ông NQK và BT có nhiều điều không thể làm hài lòng độc giả ít nhiều có suy nghĩ. Ông NQK viết: "... mục tiêu của chính sách mới này là giúp Việt Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế lẫn quân sự với một thể chế dân chủ để Việt Nam có thể tự chủ, độc lập và duy trì mối liên hệ thân thiện với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Hoa và Hoa Kỳ"... "Lộ trình đề nghị ở đây không đòi bãi bỏ "chế độ đảng cộng sản" (Communist party regime) hiện nay tại Hà Nội". Nghe qua thì có vẻ là hay ho, nào là "một quốc gia hùng mạnh về kinh tế lẫn quân sự", nào là "một thể chế dân chủ". Nhưng thử hỏi: quốc gia nào, độc tài đảng trị hay dân chủ? Nếu quốc gia độc tài đảng trị hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự thì có ích gì cho dân chủ và dân chúng? Lại thử hỏi: "thể chế dân chủ" nào có thể có được, nếu "chế độ đảng cộng sản", tức là cái chế độ độc tài toàn trị cộng sản, vẫn còn nguyên vẹn? Ở đây, chúng tôi không nói đến đảng cộng sản, vì, cố nhiên, dưới chế độ dân chủ đa nguyên thì đảng cộng sản vẫn có thể tồn tại, như như các chính đảng khác. Lối giải thích đó lộ rõ một mâu thuẫn gây sự ngờ vực chính đáng cho người đọc.

Còn ông BT thì đoan chắc rằng: "Lộ trình này... không nhằm lật đổ Đảng cộng sản mà chỉ làm cho đảng có thể thực hiện một số điều kiện tốt đẹp chính họ đề ra. Đảng cộng sản có mất chăng thì là chỉ mất một số nội dung chưa thành sự thật (như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản), mất độc quyền cai trị đã trở thành lạc lõng ngược đời giữa thế giới ngày nay...". Lời giải thích này của ông BT (ĐCSVN sẽ "mất độc quyền cai trị") nghe ra "hơi bị" mâu thuẫn với lời ông NQK ("không đòi bãi bỏ "chế độ đảng cộng sản")! Người đọc không thể nhịn cười: "Lộ trình" là để giúp cho ĐCSVN thực hiện những điều tốt đẹp do chính họ đề ra, còn Đảng có mất chăng thì chỉ là những thứ vặt vãnh, như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng và cái "độc quyền cai trị" lạc hậu, lỗi thời mà thôi! Lối giải thích này chắc nhắm vào BCT ĐCSVN! Nhưng mà nghe như "dỗ con nít" vậy! Khốn thay, những cái "vặt vãnh" đó lại chính là những thứ mà tập đoàn thống trị hiện nay cố sống cố chết để giữ cho kỳ được!

-- Con Ho Dam Tac - Nong Duc Manh (Con_Ho_Dam_Tac@hn.vnn.vn), October 22, 2003


Moderation questions? read the FAQ