Vệ sinh an toàn thực phẩm: Thấy mà run

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Thấy mà run

Giết mổ gia súc ngoài đường không đảm bảo vệ sinh. Hôm nay, mở đầu phiên họp thứ 21, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều đại biểu phải thốt lên rằng: "Nghe mà phát run. Bây giờ không biết ăn cái gì cho an toàn".

Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, tất cả thực phẩm, tất cả các khâu từ sản xuất tới chế biến, kinh doanh đều có vấn đề. Hệ quả là số vụ ngộ độc thực phẩm cứ tăng theo hằng năm. Lấy ví dụ ở TP HCM, nếu như năm 2000 chỉ có 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 297 người mắc thì năm 2002 là 29 vụ với 930 người mắc. Năm 2003, số vụ có giảm chút ít với 22 vụ, song số bị ngộ độc lại tăng vọt với 1.158 người.

Báo cáo giám sát đã đưa ra những con số giật mình. Theo kết quả điều tra thực trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả thời gian gần đây của Cục Bảo vệ thực vật, số mẫu rau, quả tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng tới sức khỏe con người chiếm 30-60%. Số mẫu rau kiểm tra ở Hà Nội và Hà Tây có hàm lượng asen cao hơn giới hạn cho phép chiếm 22-33%. 100% mẫu đậu đỗ ở Hà Nội và Hà Tây, 66,6% mẫu rau cải tại TP HCM và Đồng Nai có dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép. Một số thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng như Methamidophos vẫn còn dư lượng trong rau.

Ở hoa quả tươi, tình trạng cũng chẳng khả quản hơn. Theo Cục quản lư chất lượng vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), việc sử dụng hóa chất bảo quản độc hại như phẩm màu, peroxit... còn ở mức cao. Có tới 25,4% lượng hoa quả lưu thông trên thị trường bị nhiễm các hóa chất bảo quản độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là hoa quả nhập từ Trung Quốc. Cụ thể, tại Nam Định, đầu năm nay đã kiểm tra và phát hiện 5/12 mẫu nho, 6/12 mẫu quưt, 9/13 mẫu Táo Trung Quốc, 8/12 mẫu Lê Trung Quốc có hóa chất bảo vệ thực vật.

Theo Cục Thú y, phần lớn cơ sở giết mổ động vật không đáp ứng yêu cầu vệ sinh, cơ quan thú y chỉ kiểm soát được dưới 50% thịt lưu thông trên thị trường. Một số thành phố lớn như Hà Nội có tới 300 điểm giết mổ gia súc, trong đó chỉ 7 điểm được cấp giấy phép và chịu sự giám sát thường xuyên, còn lại là các điểm giết mổ tư nhân rải rác, không có sự kiểm soát của cơ quan quản lư nhà nước, không phát hiện và ngăn chặn thịt bị nhiễm các bệnh như: nhiệt thán, tụ huyết trùng, lở mồm long móng...

Một sản phẩm động vật được rất nhiều người sử dụng là mật ong thì qua đợt kiểm tra 70 mẫu gần đây của Cục Thú y đã phát hiện 12 mẫu có hàm lượng dư lượng Chloramphenicol (một loại kháng sinh) cao gấp hàng nghìn lần tiêu chuẩn cho phép. Năm 2003, qua kiểm tra trên 70 mẫu mật ong xuất khẩu sang châu Âu thì kết quả xét nghiệm của EU cho thấy hàm lượng Streptomycil (cũng là một loại kháng sinh) trong sản phẩm cao hơn 2,5 ngưỡng giới hạn cho phép.

Ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau khi xem các báo cáo trên đã phát biểu: "Đọc phát run, giờ chẳng còn biết ăn gì. Nhìn thịt gà giờ không rung động gì vì sợ cúm gà. Còn như củ rau, tôi cứ tưởng chôn dưới đất rồi thì an toàn, ai dè còn độc hơn cả rau xanh (theo báo cáo của TP HCM năm 2003, rau củ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép là cao nhất)". Bà Hà Thị Liên, Ủy viên trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cũng có cùng tâm trạng: "Phụ nữ chúng tôi đi chợ không biết mua gì bởi cái gì cũng có thể bị tẩm hóa chất độc hại".

Các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất rằng sở dĩ có tình trạng trên là hệ thống bộ máy quản lư nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu, phân tán và thiếu sự đồng bộ; việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp chưa được quan tâm đầu tư; các văn bản quy định phục vụ cho công tác quản lư nhà nước ban hành chậm, nhiều quy định lạc hậu; công tác thanh tra chưa được thực hiện thường xuyên và cuối cùng là việc tuyên truyền giáo dục ư thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, bổ sung một bất cập trong vấn đề tiêu chuẩn hóa chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện mỗi bộ ngành có một trung tâm đo lường chất lượng, đưa ra một bộ tiêu chuẩn riêng, dẫn đến sự chồng chéo, phân tán. Nhiều tiêu chuẩn quá lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Ông Hải cho rằng cần phải lập những trung tâm đo lường chất lượng vệ sinh thực phẩm mang tầm cỡ quốc gia, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Bởi như Bộ Khoa học Công nghệ, muốn đo lường một số thành phần của bao bì tác động lên thực phẩm thì cả nước không có máy đo này.

Kết thúc buổi thảo luận sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo giám sát và gửi cho Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Đây được coi là công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước. Chiều nay, Ủy ban sẽ thảo luận về dự án Luật Kiểm toán nhà nước.



-- BACLIEU 2002 ( paltalk) (thomasph75@hotmail.com), August 16, 2004


Moderation questions? read the FAQ