Ngày xưa, tham nhũng..."

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

Ngày xưa, tham nhũng..." "Thời ấy, tham nhũng trở nên một vấn đề rất nghiêm trọng trong khu vực nhà nước. Những ví dụ sống động, có thể kể đến việc nhân viên cấp cứu đòi tiền trà trước khi đưa bệnh nhân lên xe, hay nhân viên cứu hỏa xin tiền nước trước khi rút vòi dập lửa... Thậm chí các điều dưỡng viên cũng đòi tiền "bo" rồi mới phát cái bô hay rót một cốc nước cho bệnh nhân.

Đút lót sao cho đúng viên chức mình cần là điều nhất thiết phải làm nếu muốn thuê được nhà, cho trẻ nhập học hay các dịch vụ công khác. Tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng trong lực lượng cảnh sát. Các cảnh sát thoái hóa thường bảo kê cho các tệ nạn, cờ bạc và buôn bán ma túy. Pháp luật xã hội và trật tự trị an bị đe dọa".

Những dòng chữ trên không phải nói về Việt Nam, mà là Hồng Kông những năm 60-70 của thế kỷ trước. Tình cờ đọc được thông tin này trên mạng Internet, tôi chợt thấy như được mở rộng tầm nhìn. Tham nhũng không loại trừ đất nước nào, thể chế nào, giai đoạn lịch sử nào; rằng nếu so với mức độ tham nhũng được coi là nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay, thì những gì người dân Hồng Kông từng phải trải qua có lẽ còn nặng nề hơn. Song lại buồn vì không biết đến bao giờ, chúng ta mới có thể nói về tham nhũng "ở thì quá khứ" như Hồng Kông hôm nay với tất cả sự thanh thản và tự hào của người đã bình phục khỏi cơn trọng bệnh.

Điều gì đã khiến Hồng Kông, từ một "thiên đường tham nhũng", như miêu tả ở trên, trở thành một trong những nơi có nền hành chính công “sạch” nhất châu Á và thế giới? Nói ngắn gọn, sự thần kỳ ấy đã bắt đầu từ quyết định lập ra Ủy ban độc lập chống tham nhũng, chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan hành chính Hồng Kông, gọi tắt là ICAC, mà nhiều người Việt Nam mê điện ảnh biết rất rõ qua các loạt phim hình sự của Đài Truyền hình TVB.

Các nhà làm luật Hồng Kông thời đó mạnh dạn giao cho ICAC những quyền hạn rất rộng, kể cả quyền bắt giam. Đặc biệt đáng chú ư là trong số các chức năng của ICAC, không chỉ có việc đấu tranh chống tội phạm tham nhũng (nghĩa là truy tìm thủ phạm sau khi vụ án đã xảy ra), mà bao gồm cả chức năng phòng chống tham nhũng. Để thực hiện sứ mạng không đơn giản này, ICAC có một vũ khí rất đơn giản là quyền được tiếp cận với các thông tin về trương mục ngân hàng, và quyền được yêu cầu những người bị tình nghi chứng minh nguồn gốc tài sản và chi tiêu của mình.

Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang xem xét khả năng xây dựng một luật chống tham nhũng, trong đó có việc lập một cơ quan đặc trách chống tham nhũng. Trên nghị trường cũng như trong dư luận xã hội có nhiều ư kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Song đây đó cũng có nhưng e ngại rằng chức năng, quyền hạn của cơ quan này sẽ chồng chéo với những thể chế đã có sẵn, chưa kể việc dù là bộ máy "độc lập" thì cũng phải có cơ chế nào giám sát...

Nỗi băn khoăn thứ hai có lẽ hơi thừa trong nền chính trị được tổ chức và lãnh đạo theo những nguyên tắc chặt chẽ như ở Việt Nam. Còn với nỗi lo thứ nhất, tại sao không bắt đầu bằng một việc tương tự như kinh nghiệm của Hồng Kông - đó là kiểm soát khối tài sản và thu nhập của các công chức, cán bộ bằng tất cả những biện pháp pháp lư mạnh mẽ và đồng bộ mà chắc rằng các nhà lập pháp sẵn sàng chấp thuận ? Phát biểu trên hai tờ báo điện tử Vietnamnet và Vnexpress hôm qua, hai quan chức Việt Nam dường như có cùng quan điểm về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Kim, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ nói: "Rõ ràng, việc kê khai và minh bạch tài sản là rất cần thiết. Nhưng chúng ta mới chỉ có quy định kê khai tài sản của cán bộ, công chức, còn việc đánh giá phân tích mối quan hệ giữa khối lượng tài sản với hành vi tham nhũng, tiêu cực thì chúng ta chưa đặt ra. Tôi cho rằng để phục vụ cho cuộc chiến chống tham nhũng hiệu quả hơn, sắp tới chúng ta phải có một quan điểm rõ ràng, thống nhất về vấn đề kê khai tài sản và yêu cầu công chức chứng minh về tính hợp pháp trong tài sản của họ, nhất là khi có sự thay đổi đột ngột về tài sản”. Ông Phạm Trường Giang, Vụ phó Vụ Pháp chế và điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao thậm chí cho rằng Việt Nam nên thành lập tổ chức tình báo kinh tế với nhiệm vụ phát hiện các nguồn tài chính không lành mạnh của quan chức.

Từ việc lập cơ quan đặc trách chống tham nhũng đến việc tập trung mũi nhọn chống tham nhũng vào việc truy tìm các tài khoản đen, những gì nước ngoài đã làm, dường như chúng ta cũng đang nghiên cứu học tập. Một hướng đi đã hơn một lần chứng minh hiệu quả của nó, miễn là thời điểm xuất phát không quá chậm trễ, để ngày chúng ta có thể nói "ngày xưa, tham nhũng..." không còn quá xa.



-- baclieu 2002 (thomasph75@hotmail.com), December 06, 2004


Moderation questions? read the FAQ