Một cách nhìn mới về Trung Quốc

greenspun.com : LUSENET : Vietnamese American Society : One Thread

30 Tháng 12 2004 - Cập nhật 15h07 GMT

Một cách nhìn mới về Trung Quốc

Một nhà phân tích tình hình Trung Quốc, giáo sư Jeffrey N.

Wasserstrom từ đại học Indiana, Hoa Kỳ, vừa đưa ra một quan điểm mới về các thách thức chính trị cho lãnh đạo Trung Hoa.

Trong bài đăng trên tờ Far Eastern Economic Review bản mới tháng 12.2004, giáo sư Wasserstrom cho rằng quan điểm về 'cuộc khủng hoảng tính chính danh' của đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989 là không còn chính xác.

Theo ông, nay các vấn đề chính của Trung Quốc đã khác với thách thức đến từ phía sinh viên đòi dân chủ hay các biến động ở Đông Âu hồi cuối thập niên 80.

Tiếp thị mặt hàng mới

Dùng ngôn từ của tiếp thị, giáo sư Wasserstrom trích nghiên cứu của Michael Schoenhals và cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc có cách tạo thương hiệu mới về chính trị (brand differentiation).

Tính chính danh về quyền lực (political legitimacy) nay được họ trình bày theo một chiến lược khá phức tạp và khác hẳn trước kia.

Theo phân tích của giáo sư Wasserstrom, các nhà lãnh đạo Trung Quốc duy trì quyền lực bằng các biện pháp như sau:

Thứ nhất, họ chứng tỏ rằng họ có khả năng kỹ thuật và hành chính để đảm bảo ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế. Ổn định và tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện cho những 'điều tốt' khác lớn mạnh. Trong số những 'điều tốt' đó có nâng cao uy tín dân tộc và tính ái quốc.

Cách giải thích này hàm ý không nên thay đổi chính trị như Đông Âu thì tốt hơn là thay đổi, vì chỉ đưa đến bất ổn và những kịch bản xấu không lường trước được. Đảng không nói mình là hay nhất thế giới như thời Mao nhưng gợi ý rằng để đảng cầm quyền thì ai cũng có lợi.

Phần sau nhằm ca ngợi vị trí lịch sử của đảng, đặt trong hình ảnh đối lập với Quốc Dân Đảng trước đây. Theo đó, đảng cộng sản Trung Quốc đã có công lao to lớn trong việc xóa nỗi nhục đế chế Trung Hoa bị các cường quốc Tây Phương chia cắt vào thế kỷ 19.

Và tất nhiên, theo giáo sư Wasserestom thì ngoài cách 'kể câu chuyện mới', chính quyền vẫn sẵn sàng dùng bạo lực trấn áp ngay lập tức mọi ý kiến chống đối hay phê phán cách lãnh đạo của đảng.

Nhưng để chứng tỏ rằng 'ai cũng có lợi trong cải tổ' mà không cần thay đổi hệ thống chính trị, theo nguyên tắc 'không giàu trước thì giàu sau', chính quyền thỉnh thoảng cũng nặng tay trừng trị các quan chức tham nhũng.

Phản đối kiểu khác Cuối tháng 10.2004 hàng nghìn người Hồi và Hán ở tỉnh Hà Nam đã đánh nhau trong năm ngày liền, làm bảy người chết

Nhưng theo giáo sư Wasserstrom, chiến lược 'tiếp thị chính trị' mới của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang gặp phải các thách thức mới, với cách trình bày mới.

Theo ông, giới sinh viên thành thị và thương nhân nay đã rơi vào quỹ đạo do chính quyền điều khiển và bị cuốn hút vào cải cách kinh tế. Họ không còn có ý thức đấu tranh như thời trước Thiên An Môn nữa.

Các vấn đề chính của Trung Quốc nay là những cuộc biểu tình của nông dân ở nhiều nơi. Nhưng giáo sư Wasserstrom cho rằng chúng không liên kết dù khá rộng khắp.

Giới công nhân tại khu vực công nghiệp ở Đông Bắc Trung Quốc cũng được coi là những người muốn đấu tranh, nhưng là đấu tranh cho quyền lợi của họ.

Điều có vẻ như nghịch lý là trong khi đảng cộng sản kêu gọi 'Giàu có là vinh quang' thì công nhân mất việc và nông dân mất ruộng lại đem ảnh Mao Trạch Đông đi biểu tình.

Nhưng theo giáo sư Wasserstrom, không phải là vì giới công nông bỗng trở nên hoài cổ. Đó chính là ngôn ngữ họ dùng để thách thức lại chiến lược 'tiếp thị chính trị' của chính quyền.

Khi chính quyền tìm cách chứng minh rằng hệ thống chính trị hiện tại là mô hình tốt nhất để tạo ổn định và nâng cao mức sống dù chưa công bằng thì những người biểu tình nhắc lại những khẩu hiệu đòi công bằng triệt để thời Mao. Nhà máy dùng than đá ở vùng Đông Bắc Trung Quốc là một hình ảnh của công nghệ cũ kỹ

Trong lúc chính quyền cố chứng tỏ đất nước đang trong tay một trung tâm quyền lực vững mạnh thì những người biểu tình tỏ ra không tin tưởng vào các cấp chính quyền địa phương.

Theo giáo sư Wasserstrom, những phản ứng của dân Tứ Xuyên, vùng vốn 'khó kiểm soát' từ xưa và thái độ của người Hồi là những thách thức trực tiếp đối với chiến lược tạo tính chính danh ở trên.

Thậm chi mâu thuẫn Hồi-Hán có vẻ nhắc đến tình hình Nam Tư, điều chính quyền luôn cảnh báo là xấu.

Thổi phồng chủ nghĩa dân tộc cũng dễ bị 'phán pháo' như trong vụ bom Mỹ rơi vào tòa đại sứ Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 giết chết ba người Trung Quốc.

Dân chúng đã tự ý xuống đường biểu tình phản đối Mỹ, đặt chính quyền vào tình thế 'đi dây' khó khăn. Nếu không cho dân chúng bày tỏ 'tinh thần dân tộc' thì không được, mà nếu để biểu tình lan ra thì cũng nguy.

Cạnh tranh về sự thật

Ngoài ra còn thách thức về mặt tâm linh. Trích dẫn phân tích của một nhà nghiên cứu khác, bà Vivienne Shue trong tác phẩm 'State and Society in 21st Century China', giáo sư Jeffrey N. Wasserstrom cho rằng đảng cộng sản Trung Quốc coi giáo phái Pháp Luân Công là mối đe dọa nguy hiểm.

Không chỉ vì Pháp Luân Công có tổ chức chặt chẽ mà còn vì giáo phái này cũng nói về 'sự thật tối thượng' (ultimate truths).

Mà đảng cộng sản thì luôn muốn nắm độc quyền về sự thật, theo cách hiểu về triết học. Vì vậy, cách giải quyết đối với Pháp Luân Công là đàn áp triệt để.

Tóm lại, theo tác giả Wasserstrom, chiến lược tạo chính danh quyền lực mới của ban lãnh đạo Trung Quốc những năm sau vụ Thiên An Môn là 'rất sáng tạo' nhưng cũng có điểm yếu.

Vì quá nhấn mạnh vào 'ổn định chính trị' chính quyền tự trói tay mình trong cách giải quyết một loạt vấn đề nóng bỏng của xã hội. Họ sợ làm lung lay 'sự ổn định chết lặng' chính họ tạo ra bằng 'phép bán hàng' mới đó.

-- (Việt Nhân @ Filson.Com), December 31, 2004


Moderation questions? read the FAQ